Category Archives: Uncategorized

Lựa chọn

NH đã từng viết (theo như tôi nhớ) trong một bài về Vương Gia Vệ, đó là nỗi ám ảnh với quá khứ. Cách Vương làm phim, cũng như một phương thức để nối mình với ký ức. Tôi tin điều đó. Phải thừa nhận, bản thân không phải là người yêu phim của Vương, cũng chưa hề có ý định phải xem đủ các tác phẩm đóng mác Vương Gia Vệ, thì Vương, và thế giới mà ông tạo ra trong những bộ phim của mình, màu sắc, âm nhạc, bố cục, khung hình, góc quay, nhân vật, câu chuyện thậm chí, đạo cụ, vẫn có một sức ám ảnh đặc biệt với tôi.
Nhưng tôi không định nói về Vương, hay bất cứ bộ phim nào của ông, ở đây. Tôi muốn nói về lựa chọn. Tôi muốn nói về Song Lang, và tôi muốn nói về Leon Le. Ngay khi nhìn thấy poster của Song Lang, tôi đã biết nhất định mình sẽ đi xem nó. Tôi thậm chí còn không để ý tên nhà sản xuất, và gương mặt được focus trên tấm hình. Tôi biết mình muốn, một cách mạnh mẽ và dứt khoát, mà không hề gợn lên chút định kiến nào, mà thường thì, tôi hay thấy mình có, mỗi khi đứng trước một thứ liên quan đến sở thích của mình (kiểu như, cái vẻ thông minh ra mặt của em Emma mà làm sao diễn được Belle). Tôi biết, trước hết, bởi cái tên phim. Như một bệnh nghề nghiệp, tôi cực kỳ dễ bị cuốn hút bởi một cái tên “có ý”. Song Lang không chỉ là tên một nhạc cụ đặc biệt của cải lương, mà còn là một từ Hán Việt chỉ hai chàng trẻ tuổi. Nhưng chữ Lang, bản thân nó, đã là một chữ có rất nhiều nghĩa đẹp, và tình. Lang là một loại ngọc sắc trong. Lang cũng là loài sói độc. Lang là tiếng gọi âu yếm của người con gái với tình quân. Lang cũng là thanh âm leng keng khi kim loại chạm nhau. Chỉ riêng từng ấy ẩn ý, đã đủ để tôi tin rằng, đây sẽ là một bộ phim không thể hời hợt. Quả thực, Song Lang là một bộ phim không hề hời hợt, dù rằng, nó cũng chưa thể gọi là tròn đầy.
Song Lang không hời hợt, ở mọi góc quay và phân cảnh. Những xen lấn thô bạo, vô duyên, chướng ngược cho thấy uy quyền của bên thắng cuộc vào đời sống của những giá trị cố hữu kham nhẫn nhưng vẫn không hề thất cách được biểu đạt tự nhiên đến thản nhiên. Những lựa chọn “cứng đầu” mà không cần phải nói toẹt ra, vẫn khiến người xem, chỉ cần tinh ý một chút, cũng dễ dàng hiểu được. Những nỗi đau giấu dưới sự bình thản. Những bức bối ẩn mình sau tiếng động kèn kẹt của chiếc giường sắt, của những bậc cầu thang không bao giờ có thể nhận biết được là đêm hay ngày. Và, tất cả lý do, chỉ được gói gọn trong 3 chữ “làm riết quen”. Tôi xin được dành sự cảm kích của mình cho cả bộ phim, và đạo diễn Leon Le, khi Liên Bỉnh Phát, qua miệng Dũng “thiên lôi”, nhả câu thoại này. Với tôi, đây là 3 chữ thâu tóm toàn bộ bi kịch, những nút thắt mở, làm lu mờ hết những phần non vụng và đẩy mọi cao trào lên đỉnh điểm. “Làm riết quen”, Dũng thiên lôi nói ra câu ấy, dường như trong sự lãnh đạm pha một chút ngập ngừng, có lẽ là nén một nhịp thở, một cố gắng phân trần, hay một biện giải vụng về vì biết là chẳng thể nào giải thích, thì đành trân mặt lên mà đáp, đem cái khinh bạc lấp liếm đi sự ăn năn. “Làm riết quen”, khi một đứa trẻ “mười mấy tuổi đầu, không cha không mẹ, rồi làm gì sống?”. “Làm riết quen”, khi một gã giang hồ tỉnh rụi đấm ngã người đàn ông lao động nghèo khổ sau khi vừa gọt hạt ổi cho mấy đứa nhỏ.
Song Lang không hời hợt, ở mọi tuyến nhân vật và diễn xuất. À, xin lỗi, thực ra thì Linh Phụng là điểm yếu nhất của bộ phim, nhưng tôi tin là Isaac đã cố gắng hết khả năng của cậu ấy, và khi người ta, với năng lực hạn chế nhưng nỗ lực tối đa, thì không thể bị đánh giá là hời hợt, càng không đáng bị chê bai bằng những lời phê bình rất có vẻ phê bình. Câu chuyện của Song Lang, tiết tấu và nhịp kể, có thể quá nhanh, quá dễ để nhân vật có thể chuyển biến tâm lý một cách “lẽ ra phải”, nhưng tôi tin đó là lựa chọn của đạo diễn. NH cũng đã từng nói, khi không thể có được giải pháp tối ưu, thì nên chọn giải pháp quen thuộc nhất, an toàn nhất. Việc kéo khán giả ra rạp, với một chủ đề khó nhằn, đã là thách thức. Bắt khán giả ngồi (tôi áng chừng không thể dưới 2 tiếng nếu muốn kể một câu chuyện đến đầu đến đũa) xem một bộ phim lê thê chẳng hề có trai xinh gái đẹp tình tiết giật gân oánh lộn kinh dị mà không ngủ gục để có được thiện cảm với nghệ thuật cải lương, có được sự đồng cảm với những thân phận đáy cùng xã hội, thay vì chỉ tò mò về một mối tình trai, thì không phải là thách thức nữa, mà là bất khả thi.
Và Song Lang không hời hợt, ở trong sự lựa chọn cân nhắc cực kỳ tinh tế cách xử lý ánh sáng, màu sắc, âm nhạc, cũng như đạo cụ, ở đây, tôi không muốn dùng phép so sánh “như một bộ phim của Vương Gia Vệ”. Mà thực sự, đó là sự chỉn chu và nghiêm cẩn của Leon Le, người mà không khó để nhận ra, chắc chắn rất mê Vương. Ta không khó nhận ra những tình tiết, góc máy, khung hình gợi nhớ đến Xuân Quang Xạ Tiết, đến Đọa Lạc Thiên Sứ, đến A Phi Chính Truyện, đến Tâm Trạng Khi Yêu. Nhưng ta biết, đó cũng là một lựa chọn kín đáo và ý nhị, mà Leon Lê muốn dành tặng cho người hùng trong lòng mình, đến phương thức kết nối bản thân với ký ức, với quá khứ, với những thực và mộng, mà ngoài Vương ra, không một ai có thể nghĩ tới, tạo nên.
Tôi xem Song Lang 2 lần. Lần đầu tiên, bị mất hơn nửa đầu phim vì chuẩn bị tới giờ chiếu thì nhận một cuộc gọi kéo dài hơn 30 phút. Nhưng không phải vì tôi tò mò mà muốn xem lại cho đủ. Chính bộ phim với nửa sau “chẳng hiểu đầu đuôi sao” ấy, với diễn xuất của Liên Bỉnh Phát, âm nhạc nặng nề được điều dẫn bởi tiếng cello, và nhịp Song Lang đơn độc, khắc khoải trong đêm đã kéo tôi đến rạp lần thứ 2, không hề hối tiếc. Tôi tin rằng, Leon Le, cũng đã có những lựa chọn không hề hồi tiếc, với Song Lang.

Mơ hồ

“Em có phiền không?”
Ừ, cô ấy đã gắt lên với tôi như vậy trên messenger… Tôi có phiền không. Tôi không chắc. Không chắc như vẫn luôn mơ hồ về chính bản thể của mình, về những thứ mình thích, về những thứ mình muốn, và về những thứ mình chọn. Trôi theo những phút, những giờ, những ngày, những tháng, những năm, những mối tình, những tan vỡ, những giọt nước mắt không thể rơi, những vùi dập không tiếc thương chính sự yếu ớt của mình, những nguyện cầu được nhìn thấy, được vỗ về, được nắm lấy đôi bàn tay lạnh giá của mình mà phà vào đó một làn hơi ấm chở che… là quá trình mà tôi đã được đặt vào để lớn lên. Hoặc không phải lớn lên, mà chỉ đơn thuần là thời gian để khác-theo-cách-như-cũ.
Bằng một cách nào đó, tôi có được sự lì lợm và cố chấp hiếm có về định mệnh. Tôi tin rằng, không ai tự nhiên bước vào đời ai, chẳng để làm gì, chẳng để lại gì. Cho dù là dao nhọn hay mật đắng, cho dù là đậm sâu hay thoáng qua, cho dù là gần gũi hay xa cách, thì cũng là định mệnh đã sắp đặt để cho ta gặp, và mở ra cho ta những cơ hội, để lựa chọn tiếp nhận. Chọn thế nào, chịu kết quả ra sao, thì lại không còn nằm ở những quân bài định mệnh nữa, như chị Donna đã cay đắng hát giữa ầm ào sóng biển “No more ace to play”. Luật chơi luôn là trò cười, và người chơi theo luật, ngây thơ tin rằng chẳng cần quan tâm ai tốt hay tệ, chỉ cần khi đã ngồi vào bàn, và bài được chia, thì tất cả sẽ có cơ hội như nhau, chính là kẻ sẽ lãnh đủ.
Tử tế hay thành thật, từ đó mong đợi được đáp lại, một cách tương xứng, cũng là một sự ngây thơ đủ để tự kết liễu. Mà thực ra, khi cho rằng mình là người tử tế, cho rằng mình bước vào mối quan hệ bằng sự thành tâm, chân thật, đã là một ám kỷ ngông cuồng cao ngạo. Mình, chỉ là mình, một nhân dạng, một tính cách, một đời sống, với những ước muốn và mong cầu tầm thường như mọi cá thể người đang tồn tại, hít thở trên hành tinh này. Vuông, hay tròn, ngọt, hay mặn, đỏ hay xanh, nóng, hay lạnh, sôi nổi, hay lặng lẽ, chẳng có cái nào hơn cái nào.
“Em có phiền không”
Tôi đã tự hỏi, mình có đau không, có muốn không, có sợ không, có ghét không. Và tôi biết rõ là mình không muốn. Nhưng cũng như một ván bài, tôi chưa ngây thơ đến mức khổ sở vì chẳng ai chơi theo luật. Luật, là mỗi người tự đặt ra, và tùy hứng tuân theo. Điều tôi làm được, là chọn ngồi lại chơi tiếp hay đứng lên bỏ cuộc. Tôi có thể mơ hồ về cách thức, nhưng tôi biết rõ tôi đang có gì trong tay, để quyết định thời điểm nào mình cần rời đi.

Tôi thấy

Tôi thấy mình khó thở. Tôi thấy mình đang chờ đợi được nhìn thấy một dấu hiệu vãn hồi và xóa bỏ đi những điều vừa diễn ra, giống như xé một tờ nháp. Tôi thấy mình sắp khóc. Tôi thấy mình cần phải ra ngoài hít thở. Tôi thấy mình muốn đi thẳng lưng thật chậm rãi và không lắc hông. Tôi thấy mình dừng lại và gỡ cái app vốn được cài chỉ để trò chuyện với một người ra khỏi điện thoại. Tôi thấy mình chú tâm vào những bước chân của mình. Tôi thấy tim mình đau như bị rất nhiều mũi gai châm vào. Tôi thấy mình muốn hét lên. Tôi thấy mình đang gục đầu xuống rồi lại ngẩng lên nhìn trời và mây đang rất xanh và đang rất nắng và ánh nắng như xé một góc tờ giấy bầu trời để gọi tôi nhìn lên và tôi thấy mình không muốn quay lưng lại ánh sáng ấy nhưng rồi tôi vẫn bỏ đi về hướng ngược lại. Tôi thấy mình đang đếm nhưng không phải những con số mà là tiếng lộc cộc rất khẽ mà gót giầy của tôi va lên mặt đá lát vỉa hè. Tôi thấy ngón chân cái của mình đau vì bị giam trong mũi giày nhọn và tôi vẫn đang bước đi chậm rãi không hề dừng lại. Tôi thấy mình cắn môi mình rất mạnh nhưng không hề có cảm giác gì nhưng tôi biết nếu tôi cứ tiếp tục cắn mạnh như thế thì môi mình sẽ chảy máu và tôi không muốn cái vị tanh mặn ấy tươm vào lưỡi mình và tôi ngừng lại. Tôi thấy mình vẫn tiếp tục đi, cố gắng trên hai đường thẳng song song hẹp hơn vai như khi tôi bước đi trong bài kata tôi đang tập. Tôi thấy mình đang bước đi chậm rãi trên hai đường thẳng hít thở cùng nhịp của bàn chân đưa mình về phía trước. Tôi thấy mình đang suy nghĩ về nỗi đau hiện hữu, suy nghĩ về căn nguyên của nó. Tôi thấy mình đang lý giải nó, nỗi đau đang tràn ắp trong tim tôi đến mức ngay cả khi tôi bước đi chậm rãi trên đôi giày cao gót mũi ngọn dưới trời nắng lúc 3h30 và ngón chân cái vốn cũng đang bị đau vẫn không thể làm dịu đi được. Tôi thấy mình không xua đuổi nỗi đau đang tràn ắp trong tim mà chỉ cố xoay nó lại phía ánh sáng, phía tôi, phía của sự khoan hòa, phía của niềm kiêu hãnh. Tôi thấy mình nhớ đến câu mà S nói, là một câu trong cuốn sách S đọc, rằng chúng ta chỉ là những con vượn, rằng tôi chỉ là một con vượn cái, không hơn. Tôi thấy mình giận dữ với chính mình và nỗi giận dữ ấy thoảng qua rất nhanh. Tôi thấy mình chấp nhận. Tôi thấy nỗi đau đang tràn ắp trong tim tôi được chấp nhận. Tôi thấy tim mình đập những nhịp bùng vỡ. Tôi thấy tôi muốn cho một người thấy tất cả những điều này. Tôi thấy tôi sẽ không để cho người đó thấy tất cả những điều này. Tôi thấy, có lẽ là, đủ rồi.

Nhím

khangenius1

Chẳng có tấm hình nào chụp với nhau, và phát hiện ra, chưa có lần nào nhìn Nhím (hay nhìn nhau) đủ lâu và kỹ, để lưu nhớ một khoảnh khắc, hay một không gian nào mà hai đứa đã cùng chia sẻ. Chẳng hiểu sao, cứ nghĩ đến Nhím là lại nghĩ đến những buổi trưa, vắng vẻ và nắng gắt. Người ta thường chẳng bao giờ chường mặt ra đường vào buổi trưa nhỉ, trừ khi vì có việc gì đó. Xem ra, cái im lắng của buổi trưa, cũng cô đơn chẳng kém gì tịch mịch lúc đêm buông nhỉ. Mà, bóng tối thì còn đồng lõa được với nhiều bí mật, buổi trưa, chừng như, chẳng có gì để bao che, nhỉ.

Nhím ơi,

Những ngày yên lặng này, TA thấy mình đang bước ra khỏi tất cả, công việc, gia đình, bạn bè, sách, sự cô độc, để đặt mình vào trong một trạng thái chờ đợi điều gì không thể gọi tên, hoặc cố tình từ chối gọi tên, một trạng thái hân hoan phi thực đến mức quên đi tất cả những gì là thực, đang có thực, cần phải thực. TA cứ nhắm mắt buông thả bản thân và cả tâm trí, chờ cho tới khi nào đó chạm đáy. Mà cũng có thể TA đã chạm đáy rồi, và giờ đang ở đó, không giãy giụa hay phản kháng, chỉ nằm im.

Còn Nhím?

Nhím vẫn pha trà hàng ngày nhỉ, và uống cả cà phê “của” ông Châu ? Nhím và cô Mai vẫn sẽ hục hặc những chuyện quẩn quanh của hai cái tôi, hai người phụ nữ, hai tâm hồn, hai tinh cầu có chung một kết nối thiêng liêng nhất? Nhím vẫn giữ liên lạc với đời sống này qua “thằng con”, qua Xịt, qua Linh, hay qua một cổng giao tiếp không thuộc cùng một miền thời gian thực, một thế giới thực với chúng ta nhỉ? À, đấy, lại là chúng ta. Có vẻ hơi sỗ sàng hay tự tiện quá khi mà TA cứ mặc nhiên cho mình được xưng hô “vơ đũa” như thế. Nhớ có lần, S nói với TA, nhu cầu được “ai đó thấy, ai đó hiểu” của TA rất cao. Hình như chị sẽ bớt cô đơn hơn phần nào khi tìm được một người để có thể xáp lại thành “chúng ta”, “chúng mình”, dù cái sự xáp lại ấy, cũng không mang tính cơ học chút nào, trái lại, thuần ý niệm. Như TA vẫn nghĩ về Nhím, về Pi, về bạn Hà (mà có lần Nhím đi xem film cùng ấy), là những dạng chúng ta ấy.

Hqua TA lại gắt lên với bà trong điện thoại, về chuyện mấy con mèo.  Mà có lẽ, nguyên nhân sâu hơn, là dạo này TA đã để tâm trí của mình vào một nơi khác, một người khác, quá nhiều. Có phải, khi chúng ta dồn hết quan tâm của mình vào một đối tượng, thì sẽ chẳng còn chỗ trống cho bất cứ ai, bất cứ điều gì nữa? Có thật chúng ta là những kẻ máu lạnh hay chỉ bởi ta có quá ít khả năng dung chứa? Lòng ta hẹp bởi mọi yêu thương đã hướng cả về một nơi nương náu xa vời? Mà buồn cười là, à, cũng không hẳn buồn cười, buồn thôi, ừ, buồn là, cái nơi xa vời ấy, thường, ta chẳng được đáp lại, tiếng vang của ta không vọng được tới nó, nói gì đến nương náu, nói gì đến cảm thông?

Hôm nọ TA đi xem Tạm biệt Christopher Robin đấy. Và TA cứ nghĩ mãi, ơn trời, là thằng bé còn sống trở về, để hóa giải chính những đau đớn của nó, và bố nó, và câu chuyện giữa hai người. Chúng ta, chẳng phải, cũng chỉ cần còn sống để trở về thôi sao, để tha thứ và yêu thương chính mình, để rộng lòng với những yêu thương khác, và chấp nhận việc được yêu thương. TA đã nghĩ, chẳng yêu thương nào tự dưng xuất hiện, hướng về phía mình đâu Nhím ạ. Nó có đủ cả thành trụ hoại diệt, như bất cứ sinh mệnh nào. Chúng ta không quyết định được số phận của nó, nhưng chúng ta có thể lựa chọn, có cho nó bước vào đời mình hay không, và đối xử với nó thế nào. Như thằng bé Christopher Robin  và gấu Pooh ấy.

Yêu Nhím. Và sẽ sớm về uống-gì-đó với Nhím nhé.

 

Nhu

22829579_888593584622302_2186491398966978584_oTôi đã đóng fb của mình vào ngày 21.1. Gần 2 tháng, và tôi cảm thấy nhẹ nhõm vô cùng. Nhẹ nhõm khi bứt mình ra khỏi những mối quan tâm chớp nhoáng, những cú lướt – dừng không quá 5s và tâm trí thì chẳng còn chỗ trống để suy nghĩ về bất cứ một điều gì sâu hơn bề mặt của những stt.
Tôi đi làm hàng ngày trên trục đường đẹp nhất nhì SG, Mạc Đĩnh Chi – Lê Duẩn – Lý Tự Trọng – Đồng Khởi, và đi qua TWS. Cứ mỗi lần ngước mắt lên, nhìn ô cửa sổ trên ấy đang mở ra, như một lời chào lặng lẽ, tôi lại cảm thấy thanh thản và tĩnh tại, trong khoảnh khắc giao nhau không lời ấy.
Tôi đóng fb của mình, khi đang ngồi, đơn độc, ở cái bàn quen thuộc dành cho người hút thuốc ở TWS, chat messenger với Pi, vào bảo rằng dạo này cổ anh mỏi lắm, cứ như có một cái gì trì trên vai, và đầu óc anh thì lúc nào cũng hỗn loạn, chẳng còn chỗ trống nào cho sự bình yên. Và thế là chúng tôi bảo nhau, bỏ fb đi. Thực sự ngay khi vừa gỡ app khỏi màn hình đt, tôi cảm thấy nhẹ nhõm hẳn. Đến giờ, tôi mở lại, nhưng không còn nhu cầu quan tâm đến cuộc sống đang diễn ra thế nào xung quanh mình, càng không thấy muốn chia sẻ gì với cái không gian ấy nữa. Tôi đã từng nghiện ngập nó, coi nó như một phòng chứa bí mật của mình, dùng nó để kết nối nỗi cô đơn của mình với thế giới giống như thả cái chai chứa bức thư kêu cứu ra biển, dù tôi biết, đó là điều ngớ ngẩn nhất.
Hôm nọ, tôi nhắn S, dạo này em nhớ anh ghê. S bảo “làm gì mà lại nhớ”. Thế là tôi lại thấy mình trút được cả một khối thở dài.
Hôm qua, tôi và Pi nói một chút về tình yêu, về động lực tự thân, về những mối duyên đi cùng nhau trên một quãng đường đời, dài, ngắn. Thế là tôi lại thấy mình không cần kỳ vọng quá vào bất cứ tha lực nào.
S, luôn có cách thấu hiểu loài người theo cách lý trí nhất, tỉnh táo, nhưng trắc ẩn. Và đó là cái “tình” mà anh trao cho người đã tìm đến anh, trút lên anh những nỗi niềm và vấn đề của họ. Thường thì họ chỉ thấy được sự lạnh lùng và những câu hỏi bắt buộc họ phải đối diện lại với chính mình. Và bởi thế, thường họ yêu mến anh bao nhiêu, thì sẽ càng sợ hãi oán hận anh bấy nhiêu. Nhờ S, mà tôi mạnh lên. Nhờ mạnh lên, mà tôi bao dung hơn. Nhờ bao dung hơn, mà tôi biết rằng mình hữu hạn đến chừng nào.
Pi, vẫn là cái đứa bước vào quán cf tôi làm thêm ngày nào, xuề xòa hình thức, và đầy những nghi hoặc trong lòng. Chúng tôi vẫn thong thả đi tìm lời giải, theo cách của mỗi đứa, trên con đường riêng chẳng có góc nào cắt nhau. Và chúng tôi vẫn già đi, không khôn ngoan hay trưởng thành hơn, nhưng cũng dần hết ảo tưởng, gỡ bỏ dần những giới hạn trong quan niệm về cái không thể và có thể. Hoặc chỉ có tôi như vậy thôi ^^.
Tôi từng chỉ trích một người, tập Judo bao nhiêu năm, thành tích cũng không ít, mà chẳng hiểu gì về nó vậy. Có lẽ tôi đã quá ngông cuồng tự đắc khi nói ra câu đó. Thực lòng tôi hơi hối hận. Tôi hối hận vì chính tôi chắc gì đã hiểu được chữ NHU ấy hàm chứa những gì, biểu hiện ra sao, mà dám mắng người khác vô tri. Tôi vẫn cứ hay thấy mình mâu thuẫn, giữa hai thái cực “Cứ Làm Đi” và “Nghĩ Cho Kỹ”. Và tôi quên mất rằng, chẳng ai có thể chỉ làm, hay chỉ nghĩ. Từ nghĩ về Nhu cho đến nghĩ Nhu, là cả một con đường luyện Nhu, thực hành Nhu. Và con đường ấy, tôi nguyện được đi hết cuộc đời này.

Những chiều cả gió

Nhắn với N, sao lại nhớ HN quá thể. Nhớ, tới mức lần đầu tiên trong đời hiểu được cái cảm giác “dằn dọc”. Nhớ, như nỗi xót xa, thương mà nản, khi kề bên một thể xác đã rã rời, một tâm hồn đã ngơ ngác của buổi xế chiều.

Rồi thì những cơn rối loạn lưỡng cực cứ nối nhau khởi lên, dập tắt, khởi lên, dập tắt, liên tục, liên tục như sóng dồn, như gió giật, muốn nhấn chìm mọi suy tư, muốn hất tung mọi bám víu. Vai gáy trĩu mỏi dưới những gánh nặng vô hình, trông đợi và thất vọng, dù đã biết trước trông đợi ấy chỉ dẫn tới thất vọng. Cười chát, ừ, chát thật. Thương mình, thương thân, thương tâm trí, thương cho cả cái nhạy cảm vốn đã èo uột hen xuyễn lại cứ phải gồng mình lên để hít thở, để tồn tại dưới vô vàn phủ định dập vùi. Bãi chiến trường nội tâm cũng đầy rẫy độc ác và giả trá, khác gì đâu cuộc sống bên ngoài. Ở đó, cái nhạy cảm run rẩy chống cự lại những cú móc mỉa hung hãn, những lập luận, đay nghiến, phân tích thẳng tuột dẫn đến án tử của tư duy, những đòn tra tấn tàn bạo của cái tôi bị từ khước, những cú táp chí mạng của con thú dữ cô độc. Và hơn hết thảy, là ánh mắt buồn rầu bất lực lặng lẽ chiếu cái nhìn thiêu đốt vô phương trốn tránh vào chính nó, cái nhạy cảm èo uột hen xuyễn khi chiến đấu nhưng lại quá mạnh mẽ khi tàn róc mình.

 

Tà huy

Ánh chiều chiếu vào trong căn phòng chật chội ấy, có nửa phần tàn tạ, nửa phần ấm áp. Nó chẳng báo hiệu điều gì tốt đẹp, nhưng chí ít, cũng đủ cho hai con người ấy nhìn thấy nhau, nhen nhúm lại nơi trái tim đã cằn, trong niềm tin đã kiệt của họ, một chút tươi sáng…

Tôi, những ngày gần đây, đang trải qua một đợt khủng hoảng mới, khủng hoảng bình lặng. Thực ra nó không hẳn là điều gì lạ lẫm. Tôi đã rơi vào nó, vài lần trước đây, nhưng lúc đó ở bên cạnh tôi chí ít cũng có một điểm tựa. Và thực sự thì thời điểm đó, tôi chưa chọn cách sống và cách nghĩ như bây giờ. Tôi không chọn bình lặng, tôi không chọn coi nhẹ hết thảy, tôi không chọn trở nên ngớ ngẩn và kệ mẹ việc thiên hạ nghĩ gì, đánh giá mình ra sao. Tôi chọn phản kháng, tôi chọn thể hiện, tôi chọn đau đớn nhưng khác biệt, theo cách mà tôi tưởng (hoặc nghĩ là) tôi vốn khác như thế. Nhưng thực ra thì tôi chẳng có sức lực nhiều đến vậy, để cứ mãi gồng lên, cứ mãi là một kẻ mộng mơ dị lập. Tôi nhận ra mình chẳng là gì, rỗng tuếch và nông nổi. Tôi sợ hãi cuống lên mỗi khi thấy thời gian qua đi và tôi chẳng thay đổi gì, không lớn lên, không thành tựu. Thực ra, tôi sợ cuống lên khi thấy xung quanh mình đây đó lại xuất hiện những người giỏi quá, quá nhiều so với mức mà tôi có thể hình dung được. Tôi thấy mình nhỏ bé, và rợn ngợp trước họ như một loài ốc bé nhỏ co mình trước những cánh hải âu bay lượn tự do và chẳng thèm biết đến sự tồn tại của một kẻ tầm thường. Và rồi tôi nhận ra, cũng như những kẻ luôn làm trầm trọng hóa vấn đề, luôn cho mình quan trọng, luôn quát tháo nát nộ để lớn tiếng hơn trong cuộc tranh luận, vốn đều hèn yếu như nhau, tôi cũng là một trong số đó, dưới một dạng thức èo uột và dễ tổn thương hơn.

Giờ đây, khi tôi đã chọn sống bình lặng, và không nghĩ ngợi gì về những sự khác biệt, có vẻ tôi thấy mọi chuyện khá hơn. Nhưng rồi cuộc sống vẫn luôn là cái bẫy, và tôi rơi vào cái hố thẳm bình lặng này, cô độc hơn hết thảy những lần đã từng, vô phương quẫy cựa, và thấm hơn bao giờ hết, sự vô vọng của mình để trở nên bình thường. Giống như, ai cũng có thể chạy, nhưng không phải tôi. Tôi không thở được. Không thở được, là hệ quả của nhiều căn bệnh từ nhỏ tôi đã phải sống cùng. Và giờ, nó là nguyên nhân của nhiều vấn đề khác mà tôi phải đối mặt. Dĩ nhiên là mọi sự trên đời đều có tương sinh tương khắc, chẳng có gì là không thể giải quyết, chỉ là có kịp tìm được hay không.

NH đặc biệt thích Stacey Kent. Bởi vì sự dịu nhẹ và thăng bằng của tiếng hát chăng?

Và mình đã từng đặc biệt thích Him. Giờ thì có thể không cần cố gắng nhiều để thà ngồi hút thuốc như một con ăn mày trước cửa hàng tiện lợi chứ nhất quyết không bấu víu một tin nhắn vu vơ, một ảo vọng hão huyền. Buồn (cười) là, trong lúc rơi xuống đáy của sự đơn độc, mình đã không hề, không hề, nghĩ tới Him. Gần 4 năm, vậy là sức chịu đựng của mình cũng khá tốt đấy chứ.

Tà huy, ánh chiều rực rỡ chiếu lên khung cửa sổ ở chỗ làm, hay tà huy, ánh chiều trơ trọi vào căn phòng chật hẹp ấy, trên khuôn mặt của hai con người ấy, chỉ là ảo mộng mà thôi. Chỉ có cô đơn là thật, thật hơn mọi buổi chiều ở trên đời.

Thụ

Chiều hôm qua, trên đường về, trong đầu cứ mải miết nghĩ về những hơn thua của thông minh và ngờ nghệch. Rồi nghĩ đến Forrest. Thực ra, cái câu mà tôi thích nhất trong FG, không phải cái câu vẫn thường được trích, về hộp chocolate. Câu mà tôi thích, là câu của Forrest, của chính người đàn ông ngay thẳng, giản đơn và chân thành ấy. I may not be a smart man, but I know what love is.

Khôn ngoan hay khờ khạo. Tinh tế hay thô vụng. Nhạy cảm hay ngây ngô. Có chăng người ta có thể cùng lúc là tất cả, hay nhất định phải chọn một, hoặc bởi vốn dĩ bẩm sinh đã có sẵn, chẳng còn cách nào thoái thác thay vì phải ôm lấy cho đến hơi thở sau cùng? Có được, là may mắn hay bất hạnh? Nên biết ơn, hay khổ oán?

Ở một chiều kích rất sâu nào, nơi tận cùng lý trí, có những tiếng nói không ngừng, tại sao, tại sao, tại sao… độc ác, dằn vặt, đến ngạt thở. Cứ sau mỗi lần chết đi ấy, cùng với ký ức, tâm não cũng tự quấn thêm một lớp băng vải, dày dần, chặt thêm, rồi trở thành một xác ướp ngay chính giữa sự tồn tại hít thở của chính mình, cho tới khi chẳng còn khe hở nào cho tiếng nói ấy được thoát ra, vang động đến nhận thức được nữa. Thế là an toàn. Không đau, không biết, không day dứt, không chống trả. Đã tưởng là như vậy. Thực đúng là ảo tưởng. Chỉ có sống. Hoặc chết. Sao có thể sống vờ chết giả? Đến bây giờ mới hiểu ra điều đó, có phải là quá muộn rồi không?

Thôi đừng tự phỉnh mình nữa. Đừng tự ru ngủ bằng những lý do ươn hèn trí trá nữa. Bất tài. Thì sao? Vô năng. Thì sao? Nhỏ mọn, vặt vãnh, hay to lớn, huy hoàng. Để làm gì? Sống đi, hoặc chết.

 

 

nữ nhi

lại thấy cơ thể vô lực, chỉ muốn gục đầu mà khóc

có những ngày nằm nghe tiếng gọi tha thiết ở trong đầu “đi chết đi”, nhẹ bẫng, mời gọi, cũng thấy chẳng khác gì với “đi chơi đi”, “đi ngủ đi”, “đi cà phê đi”. có những ngày chẳng thấy một chút cảm xúc hay nhu cầu khóc cười một cách thể lý, để biết là mình còn đầy đủ khả năng nhận biết, vì cũng thấy chẳng cần biết, biết để làm gì. Rồi cũng qua đi cả, đã tưởng là thoát được, đã tưởng là mình miễn nhiễm rồi.

nữ nhi yếu ớt, chắc kiếp trước đã vụng tu, nên giờ có muốn cũng chẳng cải được, việc khó chẳng thể cố mà hoàn.

lại nhớ S kinh khủng, vì cảm được ngày một sâu, cái nỗi đau vô hình mà nặng trĩu ấy, xiết nghẹn lý trí, giẫm vụn giáp bọc, chỉ còn trần ra một thân sâu kiến chỉ chực vỡ nát ra như bụi dưới những đòn hiểm của tình thân, của ảo tưởng.

thở còn chẳng thiết, nữa là buồn.

rồi lại chỉ có thể vùi mình vào hố cát của bôi xóa, để tự ám thị là không thấy gì, nghĩa là chẳng có gì xảy ra.

 

 

 

Vòng quanh

Em không thể thú nhận mình sợ hãi.

Em không thể thú nhận mình dối trá.

Em không thể thú nhận đó chính là em.

Em không thể, vì anh nhìn thấu, hiểu thấu.

Ừ, thì em có sống đâu mà sợ sống.

Ừ, thì em có biết đâu mà nhớ.

Ừ, thì em còn làm được gì, ngoài níu lấy từng bóng chữ và tưởng tượng ra sự thinh lặng đồng cảm

Những đau đớn này, những chối bỏ vờ vĩnh này, em có muốn đâu…

shade